Khi trào lưu làm son, bán son thủ công (handmade) đang nở rộ tại Việt Nam, những ý kiến về dòng sản phẩm này có thể được coi là bị chia rẽ nặng nề. Có người ca ngợi son handmade lên mây, có người hoài nghi, và có người chê bai nó thậm tệ. Những người ca ngợi son handmade có lẽ vốn là những người có thành kiến với các loại mỹ phẩm công nghiệp, và những người chê bai son handmade thì dường như không có mấy kiến thức hay hiểu biết về việc tạo ra mỹ phẩm thủ công.
Để cho dễ liên tưởng, thì bạn có thể coi thỏi son handmade là một bát phở bạn mua ở đầu ngõ, còn son công nghiệp là một gói phở ăn liền được sản xuất bởi một tập đoàn lớn.
Có rất nhiều người đã từng hoài nghi rằng: Nếu như son handmade tốt như thế, lành tính như thế, lên màu đẹp như thế, thì những thương hiệu son và mỹ phẩm lớn trên thế giới hẳn đã sập tiệm từ lâu rồi. Tôi chắc chắn rằng, những người có tư tưởng như thế thường là những người chẳng có tí hiểu biết cơ bản nào về kinh tế hay kinh doanh. Có hàng trăm, hàng ngàn tập đoàn kinh tế lớn, có thể dễ dàng đàn áp những ngành công nghiệp thủ công nhỏ lẻ của địa phương, không phải vì sản phẩm của họ vượt trội hơn, mà đơn giản vì họ có tài lực lớn trong việc phân phối, quảng cáo, cạnh tranh v.v...
Đã có quá nhiều thương hiệu mỹ phẩm uy tín của Việt Nam bị chèn ép đến chết chỉ vì sự xuất hiện của những thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu, và từ những bài học đó, bạn đừng có tư duy ngây thơ theo kiểu 1+1 = 2 như vậy nữa nhé.
Lại quay về chuyện bát phở và thỏi son, giờ thì bạn đã ngẫm ra được vài điểm tương đồng rồi phải không? Tại sao người Việt Nam vẫn thích ăn phở ở những hàng quán quen thuộc, đôi khi là chẳng có biển hiệu gì, thay vì mua phở ăn liền được sản xuất trong dây chuyền khép kín đảm bảo vệ sinh được đảm bảo bởi những thương hiệu tầm cỡ và quảng cáo ầm ĩ trên TV? Có thể trả lời ngay: Phở ở quán thì tươi hơn, ngon hơn. Son handmade cũng như vậy, đó là lý do nhiều người hay thích gọi son handmade của mình là “son tươi”.
Khi một người bán giới thiệu rằng son mình có chứa dầu dừa hay dầu olive, thì bạn có thể tin tưởng rằng, thành phần dầu dừa hay dầu olive có thể chiếm tới 50%, thậm chí 70% thỏi son, nhưng với son công nghiệp, thì có khi thành phần dầu dưỡng tự nhiên này chỉ chiếm dưới 1%, lép vế hơn hẳn so với các thành phần tổng hợp khác như dầu khoáng (mineral oil).
Tất nhiên, chính vì cái tính “tươi” này, mà son handmade cũng có phần thua thiệt so với son công nghiệp. Một bát phở bạn mua về nhà, để được 1 ngày là không ăn được nữa. Son handmade không đến nỗi “hết đát” nhanh như vậy, bạn có thể bảo quản được trong 1 năm rưỡi, nhưng nó sẽ mong manh hơn: Không được để ở nơi quá nóng, nếu không son sẽ nhanh bị chảy. Không được làm rơi, nếu không son sẽ dễ gãy. Và tốt nhất là bạn nên dùng son nhiệt tình trong khoảng 3-6 tháng đầu ngay sau khi sản xuất, vì đây là lúc độ dưỡng của son đạt hiệu quả tốt nhất, chứ đừng đóng nắp để dành, vì lâu quá thì son cũng khô dần và kém độ dưỡng ẩm, dưỡng mềm.
Ngược lại, một thỏi son công nghiệp, nhờ được bổ sung các chất ổn định và chất bảo quản, có thể tha hồ để dành đến 1-2 năm, và sử dụng thoải mái mà chất lượng son không thay đổi, miễn là bạn tuân thủ đúng hạn sử dụng in trên bao bì.
Có một vấn đề mà mọi người cũng hay so sánh giữa hai khái niệm “son handmade” và “son hãng”, đó là độ uy tín. Hay nói cách khác là trách nhiệm. Những người nghi ngờ son handmade thường nói rằng, nếu dùng son và có vấn đề gì, thì không thể “bắt đền” ai. Đây lại là một suy nghĩ khá ngây thơ khác.
Quả thực rằng, đa phần những người làm son handmade hiện nay không thành lập xưởng sản xuất hay đăng ký nhãn hiệu chính thức, không có tư cách pháp nhân, và họ hoàn toàn có quyền chối đây đẩy nếu có người mang một thỏi son handmade không mã vạch, không tem mác tới khiếu nại rằng dùng son bị dị ứng, son bị mốc, hỏng v.v... Thế nhưng, không thiếu những người làm son handmade khá trung thực (và nhát gan), đặc biệt là rất chiều khách.
Bạn mua phải một thỏi son handmade bị lỗi, chỉ cần thông báo lại với người bán với một thái độ thân thiện, thì khả năng bạn được đổi lại hàng mới, cùng với quà tặng kèm và vô vàn lời xin lỗi là chuyện không khó tìm ở thị trường son môi handmade. Thế nhưng với những thương hiệu son công nghiệp có tên tuổi thì chưa chắc nhé.
Bạn có thể sẽ phải chờ đợi và vượt qua bao nhiêu vòng thẩm định từ người bán hàng, người quản lý, nhà phân phối, phòng dịch vụ khách hàng và thậm chí là cả một đội ngũ tư vấn pháp lý hùng hậu của tập đoàn lớn sẵn sàng bắt nạt khách hàng thấp cổ bé họng cho đến khi bạn nản quá mà vứt phéng thỏi son đi cho xong!
Tất nhiên, không phải tất cả những sự so sánh đều là tuyệt đối. Trong hàng trăm, hàng nghìn người bán phở, sẽ có người có tâm và nấu ăn sạch sẽ, có người khác lại chuyên dùng thực phẩm ôi thiu. Trong vô vàn những nhà sản xuất phở ăn liền, sẽ có công ty không ngừng tìm tòi bổ sung những thành phần chất lượng cao vào sản phẩm, có công ty khác lại tìm mọi cách bớt xén để tăng lợi nhuận. Bạn không thể nhìn vào một trường hợp cá biệt để đánh giá cả một ngành nghề. Nếu bạn muốn hiểu hơn về son handmade, hãy dành một buổi chiều ngồi ngắm nhìn một cô bạn của mình ngồi mày mò làm son.
Nếu bạn muốn hiểu hơn về son công nghiệp, hãy học cách đọc thành phần sau những bao bì hào nhoáng. Xét cho cùng thì, để tìm được kho báu đích thực, bạn sẽ phải tự bỏ công đi tìm, chứ không thể đi hỏi xem mọi người hay đi nhặt vàng ở đâu được.
Bình luận